Bản Sắc Phố Đi Bộ
Cùng với các phố đi bộ đã có, nhiều địa phương trong cả nước có kế hoạch tổ chức thêm các tuyến phố đi bộ mới. Bùng nổ số lượng liệu có đi kèm những hoạt động đặc sắc?
Tấp nập đề án phố đi bộ
Năm 2016, Hà Nội khai trương phố đi bộ Hồ Gươm. Phố đông dần và thành thương hiệu. Sau đó, phố Phùng Hưng cũng trở thành một phố đi bộ nhỏ nhắn, khi các nghệ sĩ biến con phố này thành phố bích họa. Lượng người đến chụp ảnh với các tác phẩm cũng đông trong thời gian dài. Năm 2018, phố đi bộ Trịnh Công Sơn khai trương, rồi lại tạm đóng.
Thời gian hoạt động, con phố này chưa tạo được sức hút. Phố cũng vừa hoạt động trở lại trong tháng 5 này với cảnh quan mới, chờ đợi một cuộc bùng nổ. Cũng trong tháng 5, phố đi bộ ở thành cổ Sơn Tây bắt đầu hoạt động.
Bên cạnh đó, các nơi khác cũng trình xin được tổ chức phố đi bộ. Tháng 4 vừa qua, Q.Ba Đình báo cáo UBND TP.Hà Nội về việc triển khai phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh gồm tuyến phố Phạm Huy Thông và 8 nhánh rẽ nối hồ với các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh và La Thành. Quận dự kiến chi 9 tỉ đồng cải tạo vườn hoa, cây xanh tạo điểm nhấn.
Khu vực Văn Miếu cũng đã có đề án Phát triển du lịch thông minh. Theo đó, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám đề xuất với TP cho tổ chức không gian phố đi bộ ở các tuyến phố xung quanh vào buổi tối để trải nghiệm cuộc sống của những sĩ tử từ các tỉnh về Thăng Long ở nhà trọ học khu vực xung quanh Trường Giám xưa. Khu vực hồ Thiền Quang cũng vừa được đề xuất thí điểm thành lập phố đi bộ. Q.Hoàng Mai cũng vừa công bố xây dựng đề án phố đi bộ tại P.Đại Kim…
Phố đi bộ đầu tiên ở Cần Thơ
Tối 30.4 vừa qua, UBND Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ chính thức ra mắt tuyến phố đi bộ Ninh Kiều dài khoảng 700 m nằm trên đường Hai Bà Trưng. Nét đặc trưng lớn nhất của tuyến phố đi bộ này là gắn liền với không gian sông nước của Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, chợ đêm Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ, chợ Hàng Dừa và một khu vực hàng quán luôn tấp nập.
Trong giai đoạn thí điểm, từ nay đến tháng 7.2022, tuyến phố đi bộ Ninh Kiều được tổ chức từ 18 – 22 giờ thứ bảy hằng tuần. Sau giai đoạn này, địa phương sẽ tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của tuyến phố đi bộ. Từ đó, sẽ có phương án đầu tư hạng mục cơ sở hạ tầng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, loại hình dịch vụ cũng như tổ chức thêm một số buổi trong tuần hoặc tổ chức hằng đêm phục vụ du khách.
Tại TP.HCM, sau phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện đi vào hoạt động, đã có những ý tưởng đề xuất mở các tuyến phố đi bộ mới quanh hồ Con Rùa và đường Nguyễn Thượng Hiền.
Tại TP.Đà Nẵng, dịp lễ 30.4 – 1.5 vừa qua đã đưa vào hoạt động khu phố du lịch An Thượng (thường gọi là “Phố Tây” An Thượng) với tổng mức đầu tư gần 40 tỉ đồng. Đây là khu phố đi bộ kết hợp các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch về đêm nhằm tạo sản phẩm du lịch mới của TP.Đà Nẵng, và sắp tới sẽ được tiếp tục đầu tư, nâng cấp với nhiều sản phẩm, dịch vụ, như các chương trình nghệ thuật đường phố, mở rộng các hoạt động vui chơi giải trí về phía bãi biển. TP.Đà Nẵng cũng đang đầu tư phố đi bộ – chợ đêm Bạch Đằng, theo quy hoạch sẽ kết nối chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực từ công viên APEC đến cầu Nguyễn Văn Trỗi.
UBND TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết đang khẩn trương xây dựng đề án trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt mô hình phố đi bộ trên đường Xóm Cồn (P.Xương Huân). Tuyến đường này được đề xuất làm không gian giới thiệu sản phẩm, văn hóa, ẩm thực 3 miền và tuyến phố đi bộ.
Không gian nói trên có diện tích khoảng 14.000 m², chiều dài khoảng 1.000 m và chiều rộng là 14 m được tính từ một phần lòng đường Xóm Cồn (làn đường phía bắc) và phần vỉa hè phía bờ sông; thời gian hoạt động dự kiến từ 16 giờ đến 4 giờ ngày hôm sau. Ngoài ra, Sở GTVT Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh thống nhất đề xuất cho phép thực hiện dự án phố đi bộ – chợ đêm Bãi Tiên tại khu vực núi Hòn Một (P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang).
Trong khi đó, theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), nằm trong đề án phát triển kinh tế đêm, Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch hình thành phố đi bộ ở đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố), nằm giữa thắng cảnh hồ Xuân Hương và sân golf Đồi Cù với chiều dài 1.600 m.
Khu phố đi bộ này sẽ có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc, vũ điệu đường phố, trượt patin nghệ thuật; chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, thủ công, mỹ nghệ; các hoạt động mua sắm với mô hình toa xe lửa trang trí đẹp, bố trí uốn lượn theo cung đường.
Phố đi bộ không phải là cái chợ
Ông Cao Thế Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Song Châu Đà Lạt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, đánh giá về địa điểm TP.Đà Lạt có kế hoạch chọn làm phố đi bộ: “Ở đây có không gian rộng, cảnh quan môi trường khá đẹp và kết nối được 2 khu vực Vườn hoa thành phố với Khu trung tâm Hòa Bình cũng như khu vực chợ đêm. Cùng với đó, chỗ đậu đỗ xe cũng được giải quyết”.
Và ông lưu ý: “Vấn đề là TP giải quyết đầu tư cũng như thiết kế, bố trí không gian và đưa vào các chương trình hoạt động như thế nào cho hợp lý. Phố đi bộ không chỉ phục vụ chuyện đi bộ mà người đến đó phải thực sự được thư giãn, được hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, được ăn uống, mua sắm và phải nhìn thấy được bản sắc của Đà Lạt. Dĩ nhiên chuyện an ninh trật tự và vệ sinh môi trường phải được đảm bảo”.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu chuyên trách của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, cho rằng vấn đề hiện tại là làm sao từ những bài học phố đi bộ tại Hà Nội đã có, phát triển những phố đi bộ mới. Theo ông Sơn, phố đi bộ Hồ Gươm là một thành công, nhưng cũng có bài học kinh nghiệm ở đó.
Chẳng hạn, người dân phàn nàn loa bát nháo, tiếng quá to, hay trẻ em đi bộ dưới phố ảnh hưởng người khác. “Phố đi bộ Hồ Gươm có quá nhiều lợi thế, từ trung tâm vị trí, các hệ sinh thái quanh nó là hàng ăn, phố cổ với nhiều cửa hàng khác nhau… Nó là trung tâm của trung tâm và nó thành công”, ông Sơn nói.
Ông Sơn đánh giá phố Phùng Hưng cần có thêm hoạt động phụ trợ: “Phùng Hưng không thể chỉ sống dựa vào phố bích họa được, mà cần có những hoạt động tham gia vào nữa. Nó bị hỏng vì sự đơn điệu của phố bích họa”.
KTS Trần Huy Ánh lại cảnh báo về việc không nên chỉ nhăm nhăm dựng ki ốt bán hàng ở các khu phố đi bộ. “Nhu cầu đi bộ và tiếp cận thiên nhiên là có. Nhưng khi thực thi, nhà quản lý lại lười biếng đẩy cho những người dựng ki ốt, bán ki ốt. Như thế nó biến việc nâng cao chất lượng sống thành nâng cao thu nhập đời sống. Và nó biến phố đi bộ thành một cái chợ kém chất lượng. Người dân đến thấy vỡ mộng thì họ không đến nữa”, ông Ánh nói.
Nguồn: thanhnien.vn