Cân Đối Nhu Cầu Và Nguồn Lực Tài Chính Khi Đầu Tư Bất Động Sản
Năm 2021, tình hình thị trường bất động sản (BĐS) tại TP Cần Thơ diễn biến trầm lắng do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Bước sang tháng cuối năm, số lượng giao dịch BĐS đã tăng trở lại nhưng chưa bằng cùng kỳ hằng năm.
Mặc dù vậy, đây vẫn là tín hiệu lạc quan hơn so với giai đoạn đóng băng hoàn toàn khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Các giao dịch sôi động trở lại cho thấy vẫn có nhiều nhà đầu tư chọn BĐS là kênh trú ẩn, tích lũy tài sản thích ứng trước đại dịch.
Giao dịch bất động sản tăng
Trong giai đoạn nền kinh tế TP Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung bước vào giai đoạn phục hồi, thị trường BĐS bắt đầu sôi động lại. Anh Lê Tấn Phát, chuyên môi giới BĐS ở địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, cho biết: “Những sản phẩm tôi tham gia môi giới đa dạng từ nhà ở, đất nền, đến đất công (1.000m2).
Tâm lý của khách hàng hiện nay không còn e ngại vị trí đất mua có xa trung tâm hay không mà quan trọng là giá cả hợp lý, có tiềm năng sinh lời. Đơn cử như trong tháng 12, tôi vừa môi giới thành công được một sản phẩm ở khu vực quốc lộ 61C Hậu Giang với giá 800 triệu đồng/công, đồng thời giao dịch thành công một mảnh đất nền giá 460 triệu đồng ở quận Ô Môn. Nhìn chung, nhu cầu mua để đầu tư cũng như để xây dựng nhà ở của người dân luôn hiện hữu.
Những khách hàng có tiền dành dụm ít hay vốn đầu tư thấp có xu hướng tìm mua những sản phẩm đất nền từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng. Chọn mua đất công thường là các nhà đầu tư đón đầu các thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng của thành phố hoặc các khách hàng có xu hướng “bỏ phố về vườn”.
Địa bàn huyện Phong Điền trong những năm gần đây cũng đón nhiều nhà đầu tư đến tìm mua đất nền nhờ mức giá còn khá mềm so với các quận trung tâm của TP Cần Thơ như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng. Anh Nguyễn Khánh Toàn, chuyên môi giới BĐS ở địa bàn Phong Điền, cho biết: “Ở các xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Giai Xuân, Trường Long… đất nền được nhiều khách hàng tìm mua nhờ vào các thông tin liên quan như cầu Vàm Xáng đang trong giai đoạn hoàn thành, cầu Tây Đô đang chuẩn bị đầu tư, cùng một số dự án đường giao thông được công bố quy hoạch.
Ngoài những khách hàng tìm mua sản phẩm đón đầu các công trình lớn vẫn có những khách hàng chỉ cần khu đất ở lộ giao thông 2m dự mở lên 4m cũng sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư để kiếm khoảng lời nho nhỏ vài chục triệu đồng hoặc mua để dành xây dựng nhà ở”. Theo anh Toàn, khu vực Phong Điền giá đất trong những năm gần đây tăng từ 10-20% tùy theo từng khu vực, nhưng mặt bằng chung vẫn khá mềm với những người có nguồn vốn hạn hẹp. Vì vậy, trong dịp cuối năm này, lượng khách tìm về Phong Điền mua đất khá nhiều”.
Cân đối nhu cầu đầu tư
Theo nhiều đơn vị kinh doanh, môi giới BĐS, sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số người dân có tiền nhàn rỗi có xu hướng chuyển từ hình thức gửi tiết kiệm hoặc đầu tư chứng khoán sang đầu tư BĐS. Thời điểm dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn, giao dịch BĐS dù không sôi động nhưng vẫn phát sinh giao dịch thành công ở các sản phẩm đã được người mua kiểm chứng kỹ về giá so với mặt bằng chung của thị trường. Nhiều người e ngại lạm phát, tiền mất giá và cho rằng do giá vật liệu xây dựng hiện nay không giảm nên giá nhà đất khó giảm sâu nên vẫn tin tưởng vào đà phục hồi trở lại của BĐS khi tình hình kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi và ổn định hơn khi sang năm 2022.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam khu vực ĐBSCL, chia sẻ: “Hiện nay, các khu đất lớn có giá trị lên đến vài chục tỉ đồng giá giao dịch không tăng do ít người có nhu cầu tham gia đầu tư. Trước đây, các khu vực có mặt tiền rộng, ở các trục đường lớn, nhà đầu tư mua để dành kinh doanh trước khi bán lại. Trong mùa dịch này khó có khách hàng tìm thuê mặt bằng để mở cửa kinh doanh.
Thậm chí do ảnh hưởng dịch kéo dài một số sản phẩm đã cho thuê được nhưng khách thuê lại khó có thể mở rộng phạm vi hoạt động, mà phải cân đối lại hoạt động kinh doanh thậm chí phải trả mặt bằng chờ tình hình dịch ổn định lại. Khi người thuê trả mặt bằng, nhà đầu tư, chủ gốc không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng nên phải tiếp tục rao cho thuê lại hoặc rao bán bớt những tài sản này ra để thu hồi vốn tái đầu tư những sản phẩm phù hợp hơn”.
Hiện nay, ở trung tâm Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy các giao dịch BĐS cuối năm tập trung ở phân khúc đất nền giá dao động từ 1-3 tỉ đồng/nền. Các khu dân cư nào đã tăng giá cao từ trước mùa dịch và đẩy giá “lệch pha” so với giá thị trường, nhà đầu tư sẽ khó ra hàng. Ưu thế khi mua đất nền ở các dự án đang triển khai là người mua có thể phân kỳ trả dần theo tiến độ cam kết. Tuy nhiên, nếu các sản phẩm nào người mua có vay thêm vốn ngân hàng nếu thu nhập không ổn định do ảnh hưởng dịch sẽ phải gồng gánh để trả lãi.
Nếu nguồn thu nhập không đảm bảo sẽ gánh áp lực lớn và buộc phải tìm khách hàng khác sang tay lại. Tuy nhiên nếu trong cùng một khu vực có nhiều khách hàng vì áp lực lãi vay mà đồng loạt ra hàng, rao bán dễ dẫn đến tình trạng thị trường chựng lại. Hiện nay, ở khu vực Nam Cần Thơ, các dự án đã hình thành lâu năm và mức giá ở khu vực này có mặt bằng cụ thể với từng khu vực, từng dự án. Do đó, đa số dân môi giới lâu năm đều biết nguồn gốc đất ở khu vực này. Vì vậy, chỉ cần có nền nào rao thấp hơn mức giá thị trường sẽ nhanh chóng ra được hàng, chốt giao dịch thành công. Nhưng lô đất nào đẩy giá lên quá cao, chủ đầu tư sẽ khó chốt lời nhanh được.
Nhìn chung, thị trường BĐS tại Cần Thơ cuối năm đã có tín hiệu khả quan hơn so với giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, phân khúc mặt tiền cho thuê để kinh doanh thương mại dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. Các đơn vị kinh doanh hoạt động cầm chừng do ế ẩm, do tuân thủ các yêu cầu về kinh doanh an toàn, người dân cũng hạn chế các hoạt động tập trung đông người.
Mặc dù vậy, các giao dịch BĐS thành công đã chứng tỏ thị trường đang dần hồi phục trở lại. Các nhà đầu tư cũng thay đổi phương thức đầu tư kinh doanh theo hướng thận trọng hơn, cân đối nguồn tài chính để chọn lựa sản phẩm phù hợp.
Nguồn: baocantho.com.vn