Thúc đẩy phát triển logistics TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL
Hoạt động logistics của ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng còn ở giai đoạn đầu phát triển. Để tham vấn chính sách và học tập kinh nghiệm trong phát triển logistics từ quốc gia phát triển, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ Việt Nam, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc hỗ trợ TP Cần Thơ Dự án Khảo sát thực trạng logistics của TP Cần Thơ, tư vấn các chính sách thúc đẩy phát triển logistics của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Dự án nằm trong Chương trình Chia sẻ Tri thức (KSP) của Chính phủ Hàn Quốc giai đoạn 2021-2022, nhằm xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL…
Cấp bách
Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra mục tiêu đến năm 2030 Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á… Do đó, để TP Cần Thơ là trung tâm của động lực phát triển của vùng cần phải có một hệ thống hậu cần phát triển tốt để thu hút hàng hóa từ các tỉnh đến thành phố để xuất khẩu trực tiếp đến những nơi khác.
Mặc dù khu vực ĐBSCL xuất khẩu hàng hóa 17 triệu tấn mỗi năm nhưng 70% lượng hàng hóa xuất khẩu sang các thành phố và quốc gia khác được thực hiện thông qua TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép (Vũng Tàu). Các doanh nghiệp ở ĐBSCL phải trả chi phí vận chuyển lớn hơn với thời gian dài (6-10 tiếng) so với các doanh nghiệp ở các vùng khác để vận chuyển hàng hóa.
Cách thức này không chỉ làm giảm giá trị của các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL), mà còn làm tăng chi phí vận chuyển (tăng tối thiểu khoảng 10 USD/tấn). Đối mặt với xu hướng hội nhập, cạnh tranh quốc tế và nhu cầu lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa qua khu vực ngày càng tăng, do vậy nhu cầu mở rộng hệ thống hậu cần hiện đại hóa cho nông sản và thủy sản của vùng ngày càng trở nên cấp bách.
Cụm cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận các tàu có trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn, nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất và gặp khó khăn ở cao độ tự nhiên đáy luồng cửa Tiểu – sông Tiền, cửa Định An chỉ cho phép tàu biển trọng tải 1.000-2.000 DWT đầy tải và 3.000-5.000 DWT giảm tải. Do đó, rất cần những giải pháp hiệu quả, khoa học để khơi thông luồng sông Hậu cho tàu trọng tải lớn cập cảng Cái Cui, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu tư vấn chính sách KSP để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL, và mục đích cuối cùng là phát triển khu vực này thành trung tâm logistics của khu vực và củng cố năng lực cạnh tranh của ngành hậu cần Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các chính sách phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics trên cơ sở nhận thức rằng đây là một trục phát triển xuất/nhập khẩu và ngành dịch vụ.
Trợ lực từ Dự án
Mục tiêu Dự án Khảo sát thực trạng logistics của TP Cần Thơ, tư vấn các chính sách thúc đẩy phát triển logistics của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL nhằm phát triển ngành logistics tại TP Cần Thơ và nghiên cứu mở rộng là khu vực ĐBSCL; thu hút đầu tư để thực hiện dự án phát triển Trung tâm logistics hạng II tại TP Cần Thơ.
Thông qua hỗ trợ nghiên cứu của KSP, dự án nghiên cứu được hoàn thành sẽ là cơ sở, dữ liệu đáng tin cậy nhằm cung cấp thông tin và thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực logistics có nhu cầu đầu tư vào TP Cần Thơ.
Tại hội nghị báo cáo cuối kỳ Dự án, tổ chức cuối tháng 9 vừa qua tại Hàn Quốc, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, cho biết, Dự án đánh dấu bước phát triển có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác giữa TP Cần Thơ và các cơ quan quản lý nhà nước của Hàn Quốc về nghiên cứu, hỗ trợ phát triển năng lực quản lý và tư vấn chính sách công. Bổ trợ kiến thức rất hữu ích cho việc phát triển dịch vụ logistics tại Cần Thơ.
Cần Thơ với những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý như là trung tâm của vùng ĐBSCL, cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông đường bộ, đường sông, cảng hàng không quốc tế. Thành phố còn là giao điểm của nhiều tuyến giao thông thủy, bộ quan trọng như kết nối với Phnôm Pênh (Campuchia) từ sông Hậu (55km ngang qua Cần Thơ) và 2 trục đường thủy quốc gia quan trọng hướng về TP Hồ Chí Minh (Cái Sắn và Xà No).
Tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Sử kiến nghị, KSP tiếp tục hỗ trợ thành phố nghiên cứu, tìm ra giải pháp sâu hơn về phát triển và kết nối hoạt động logistics cho ĐBSCL với trọng tâm là thu hút đầu tư vào Trung tâm logistics hạng II tại cảng Cái Cui, diện tích 242,2ha; Dự án logistics hàng không dự kiến sẽ triển khai gần khu vực Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ.
Trong đó, Trung tâm logistics hạng II có vị trí cực kỳ thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh và các nước Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Thái Lan,… nếu được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động sẽ giúp tháo gỡ nút thắt trong giao thông vận tải của cả vùng ĐBSCL, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội của cả 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, hiện đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Sở Công Thương sẽ phối hợp, hỗ trợ công tác kết nối, thu thập thông tin cũng như tìm hiểu về các quy định, chính sách trong thực hiện các thủ tục đầu tư về logistics để KSP hoàn thành Dự án.