Thúc Đẩy Doanh Số Bán Hàng
Bạn muốn tăng doanh thu cho cửa hàng của mình? Bạn nên kết hợp chiến lược tập trung thu hút khách hàng mới và giữ chân họ biến họ thành khách hàng trung thành. Hãy thử một số hoặc tất cả các ý tưởng sau để thúc đẩy doanh số bán hàng của bạn:
1. Khuyến Mãi
Khuyến mại là một kĩ thuật giúp tăng doanh thu cho cửa hàng. Không cần biết đến những lý thuyết cao siêu. Nó có thể đơn giản như giảm giá vào các ngày sinh nhật của khách hàng hoặc tạo hệ thống điểm và giảm giá trên các hóa đơn giống như các thẻ tích điểm tại các siêu thị. Thực hiện những chương trình này một cách tinh tế thực sự có thể giúp bạn xây dựng lòng trung thành của khách hàng và tăng doanh số bán hàng.
Khách hàng cũng thích mua hàng khuyến mại vì họ có cảm giác kiếm được món hời và cuối ngày bạn kiếm được món tiền, đây là tình huống win-win cho cả hai!
Một số loại khuyến mại bạn có thể áp dụng:
Mua 1 tặng 1, Mua cái đầu giảm giá 50% cho cái thứ 2, Giảm giá, ví dụ như 50%. Hãy để thời hạn khuyến mại, ví dụ như “Chỉ trong tuần này” để tạo tình thế cấp bách, khiến khách hàng quyết định mua nhanh kẻo nhỡ.
1 cuộn phim kèm theo 2 ly nước.
1 chai rượu tặng thêm ly, khay và bình rượu nhỏ.
1 xe máy tặng thêm 1 mũ bảo hiểm và bộ áo đi mưa.
1 bộ veston tặng thêm một áo sơ mi trắng hoặc cà vạt…
Theo điều tra, cách bán hàng kèm theo quà tặng này rất có hiệu quả, được nhiều doanh nghiệp sử dụng một cách thường xuyên và đa số khách hàng bị các thứ quà tặng thêm này quyến rũ
2. Trưng bày hàng hóa đặc biệt – điểm nhấn của cửa hàng
Chỗ trưng bày hàng hóa đặc biệt có thể coi như một nhân viên bán hàng thêm vì bạn có thể nhìn thấy ở bất cứ siêu thị hay hiệu sách nào, thường đặt ở ngay cửa vào, đập vào mắt khách hàng khi họ bước vào. Chúng có đủ các hình dáng và kích thước, từ những giá sách có hình dáng đặc biệt hơn nơi trưng bày những sách bán chạy nhất, cho đến những giá treo lủng lẳng những biển hiệu từ trần nhà quảng bá cho lợi ích khi sử dụng phân bón cho khu vườn.
Những thứ này không cần thiết do nhà cung cấp đưa cho bạn mà bạn hoàn toàn có thể tự tạo ra nhờ trí tưởng tượng của mình. Điểm mấu chốt là – bạn cho một sản phẩm đứng riêng ra khỏi đám đông còn lại, thật nổi bật và thúc đẩy việc bán sản phẩm đó.
3. Tìm hiểu ngân sách của khách hàng
Nhân viên bán hàng thường ra giá của họ trước khi tìm hiểu ngân sách của khách hàng tiềm năng. Nhưng nếu tìm hiểu về ngân sách khách hàng sẽ đầu tư trước, bạn có thể phát triển một giải pháp tùy chỉnh cung cấp giá trị tối đa cho khách hàng. Một khi bạn hoàn toàn hiểu những thách thức và mục tiêu, hỏi khách hàng ngân sách mà họ đầu tư để hoàn thành chúng. Điều chỉnh giá với khách hàng tới khi hai bên đồng ý. Tuy nhiên, nếu ngân sách quá thấp, và dịch vụ của bạn không phù hợp, thì nên kết thúc sớm tránh mất thời gian của cả hai.
4. Phân loại khách hàng của bạn
Nên có một sự khác biệt rõ ràng giữa khách hàng thường xuyên và những khách hàng khác – sự khác biệt mà đủ để khách hàng thường xuyên của bạn cảm nhận được như thể bạn đang rất trân trọng và đánh giá cao vai trò của họ. Làm thế nào bạn có thể mong đợi sự trung thành của khách hàng nếu như họ cũng được đối xử bình thường như những người khác, không có gì đặc biệt. Có rất nhiều cách thức mà bạn có thể hiển thị rõ với khách hàng thường xuyên từ những điều nhỏ nhặt như lời chào họ bằng tên thân mật tới những điều lớn lao hơn như tăng cường giảm giá, khuyến mại cho họ.
5. Marketing truyền miệng
Chi phí cho 1 chiến dịch marketing truyền miệng rất ít so với một chiến dịch marketing truyền thống, hơn nữa khách hàng thường có xu hướng tin vào sự giới thiệu của bạn bè, người thân hơn là thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng cáo. Bạn có thể thông qua các khách hàng thân thiết giới thiệu sản phẩm tới bạn bè của họ. Một phần thưởng nhỏ như việc giảm giá mua hàng cho khách hàng sẽ khích lệ họ thực hiện chiến dịch marketing truyền miệng giúp bạn tốt hơn.
6. Tập trung vào các tiện ích sản phẩm, thay vì liệt kê tính năng
Để thu hút sự chú ý của khách hàng, thay vì liệt kê một danh sách dài các tính năng của sản phẩm, bạn cần phân tích và nắm được các nhu cầu của khách hàng, từ đó tập trung vào các lợi ích sản phẩm đem lại, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Cách tiếp cận này sẽ nhắm đúng tới tâm lý của khách hàng, thể hiện sự quan tâm của bạn và giúp bạn dễ dàng bán hàng thành công hơn.