Thoại Sơn Phát Triển Kinh Tế Toàn Diện
Huyện Thoại Sơn nằm ở phía Đông Nam tứ giác Long Xuyên (tỉnh An Giang). Phát huy lợi thế địa lý cùng các điều kiện tự nhiên, Thoại Sơn hướng tới phát triển kinh tế toàn diện.
Trên địa bàn huyện Thoại Sơn có nhiều di tích văn hóa lịch sử như: Khu di tích khảo cổ nền văn minh Óc Eo nổi tiếng, nơi từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7; có núi Sập, núi Ba Thê, khu du lịch Hồ Ông Thoại, 2 bia đá và tượng Phật 4 tay là di tích kiến trúc nghệ thuật tại thị trấn Óc Eo và bia Thoại Sơn tại đình thờ Thoại Ngọc Hầu được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện tỉnh An Giang đang xúc tiến quảng bá thương hiệu để tạo ra nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế, biến khu vực này trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng.
Với lợi thế chỉ cách trung tâm TP. Long Xuyên 25 km, Thoại Sơn đang xây dựng một tour du lịch khép kín: Thoại Sơn – Long Xuyên – Châu Đốc – Tịnh Biên – Tri Tôn, giúp du khách trải nghiệm với cảnh sông nước hữu tình, khung cảnh núi rừng hùng vĩ, cùng với những khu vui chơi giải trí mang nhiều phong cách thiên nhiên.
Ngoài việc kết nối dễ dàng với các địa phương trong tỉnh, Thoại Sơn có vị trí khá thuận lợi khi giáp với huyện Hòn Đất, Tân Hiệp (Kiên Giang), quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), tạo thành trục giao thương ngang – dọc liên hoàn, là điều kiện thuận lợi cho giao thương mua bán và đi lại của du khách trong vùng. Huyện đang khảo sát 2 điểm có tiềm năng phát triển du lịch tại xã Vọng Đông là mô hình vườn sinh thái và hang Tiếng Vọng – Núi Chóc để đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp đô thị loại IV của thị trấn Núi Sập, tập trung thực hiện các công trình xây dựng cho thị trấn Óc Eo và Phú Hòa đạt chuẩn đô thị loại IV sau năm 2020. Trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá, lịch sử và hạ tầng đã đầu tư giai đoạn trước, Thoại Sơn tiếp tục lập dự án để mời gọi đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình ở Khu du lịch Hồ Ông Thoại, Công viên văn hoá 1/5, Khu du lịch Chùa Bà, Khu du lịch Hang Dơi, Khu du lịch văn hoá Óc Eo.
Riêng dãy núi Ba Thê sẽ xây dựng khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng và xây dựng các khách sạn, nhà hàng, điểm dừng chân du khách, khu vui chơi, giải trí, thể thao cảm giác mạnh như leo núi, nhảy dù… phấn đấu đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương vào năm 2020.
Về xây dựng hạ tầng, Thoại Sơn đang triển khai thi công 7/13 công trình gồm: sửa chữa tuyến Nam Đòn Dong (ranh Thoại Sơn, Long Xuyên – cầu Bùi Trung Ơn); nâng cấp mở rộng tuyến lộ tẻ Thanh Niên (cầu Mặc Cần Dện lớn – cầu sắt ngang kênh Đòn Dong); nâng cấp mở rộng tuyến Tây Bốn Tổng (Ông Cò) từ cầu Bùi Trung Ơn, ranh Thoại Sơn – Vĩnh Thành; nâng cấp mở rộng tuyến Mặc Cần Dện lớn (Xẻo lách đến ranh Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh); nâng cấp mở rộng tuyến lộ 15 (đoạn ĐT 943 – cầu số 3); nâng cấp mở rộng tuyến lộ 15 (đoạn cầu số 3 – cống Sơn Hiệp 1); nâng cấp mở rộng tuyến lộ 15 (đoạn cống Sơn Hiệp 1 – ĐT 947).
Thi công hoàn thành dự án nâng cấp tuyến đường Thoại Giang – Xã Diễu, tuyến đường tránh thị trấn Núi Sập và một số công trình xây dựng nông thôn mới, các công trình trọng điểm, bức xúc, đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, hoàn thành hồ sơ chuẩn bị đầu tư các công trình triển khai thực hiện trong năm 2019 và 2020, thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trên địa bàn, phấn đấu tổng mức đầu tư xã hội đạt 1.422 tỷ đồng theo kế hoạch đề ra.
Phát huy lợi thế địa phương, huyện Thoại Sơn rất chú trọng vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện đang tập trung vào một số giải pháp đầu tư cho công nghệ cao sản xuất giống và xã hội hoá công tác giống, phòng trị bệnh và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng.
Tranh thủ các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vay ưu đãi, nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng các vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản và mở rộng thị trường tiêu thụ nông – thủy sản, nâng tổng giá trị sản xuất trong năm 2017 đạt 1.190 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước.
Tập trung đầu tư và mời gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, vật liệu xây dựng và mở ra các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển các dịch vụ công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, nhất là công nghệ sau thu hoạch, các nguyên liệu từ nông, thủy sản qua chế biến để tăng thêm giá trị hàng hoá nông sản.
Song song đó, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phú Hoà, đẩy mạnh chương trình khuyến công, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chứng nhận ưu đãi đầu tư, vay vốn ngân hàng… tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất.
Đồng thời, huyện Thoại Sơn cũng kêu gọi đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cầu, đường. Tập trung tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp tại Định Thành, Vĩnh Trạch và thị trấn Núi Sập.