Nhà Đầu Tư “Cá Mập” Vẫn Sẵn Sàng Xuống Tiền Gom Bất Động Sản?
Bên cạnh động thái bán cắt lỗ để thu dòng tiền ở một vài phân khúc, sản phẩm, ở các nhà đầu tư áp lực tài chính thì thị trường Bất Động Sản ở giai đoạn này vẫn diễn ra trạng thái “săn” BĐS của những NĐT có dòng tài chính mạnh. Đây được xem là những nhà đầu tư (NĐT) “nhạy bén” – cơ hội vào thị trường lúc khó khăn.
Lúc thị trường BĐS khó khăn, mỗi nhóm NĐT có những động thái riêng về cách thức “xuống tiền”. Ở đó, nhóm NĐT cơ hội là những nhà đầu tư vẫn âm thầm hoạt động trên thị trường BĐS lúc khó khăn. Họ là những NĐT chờ những NĐT khác đang bị mắc kẹt trên thị trường để mua vào. Nhóm này theo các chuyên gia, quan tâm mạnh đến yếu tố lợi nhuận và thanh khoản, có sẵn tiền mặt, kì vọng lợi nhuận khi đầu tư vào BĐS rất cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, đối tượng NĐT này cũng khá cân nhắc việc bỏ tiền trên diện rộng, họ chỉ nhắm vào các sản phẩm BĐS vừa giảm giá, vừa có tính thanh khoản cao. Họ đón đầu cơ hội thị trường bằng những phân tích kỹ càng, cân nhắc “ôm hàng” chứ không theo kiểu vồ vập, ồ ạt.
Có thể nói, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều dự đoán về thị trường BĐS trước đó “lệch sóng”. Một số chuyên gia cho rằng, nếu dịch kéo dài đến cuối năm 2021 thì thị trường BĐS sẽ cực kì khó khăn. Trong đó, thị trường sẽ xuất hiện nhiều hơn các trường hợp bán tháo, cắt lỗ; khả năng cầm cự tài sản của các NĐT sẽ bị lung lay. Và, dự đoán sẽ có khoảng 40% các NĐT trên thị trường BĐS ở trạng thái này. Ngược với tình hình này thì nhóm nhà đầu tư mạnh tài chính sẽ trỗi dậy mạnh trong dịch Covid-19.
Ông Trịnh Minh Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới đầu tư BĐS cho hay, thị trường đang gặp khó khăn, nếu dòng nhà phố chốt lời thấp trên thị trường khoảng 5% – 10% so với thời điểm trước dịch thì một số nhà đầu tư họ sẵn sàng ôm vào.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, hiện nay, khách hàng nào đang giữ tài sản lớn thì vẫn cố gắng tận dụng giữ, cầm cự, chắc chắn sau khi dịch ổn định và thị trường khởi sắc, giá bất động sản sẽ có bước đột phá khá cao. “Giữa năm 2020 cho đến bây giờ, một số khách hàng đầu tư của bản thân Hải thường giữ dòng tiền khá ổn định, do họ có dòng tiền mặt và tài sản khác khá ổn. Hơn nữa, họ là những NĐT có sự chuẩn bị trước mọi thứ nên không bị động trước dịch. Với bối cảnh hiện này, có thể họ sẽ mua thêm vào chứ không cố bán bán tài sản đi”, vị này cho biết.
Nói như vậy thì khoảng 30% các NĐT không chuẩn bị dòng tiền mới bị áp lực bởi dịch mà bán tháo, bán lỗ ở giai đoạn này. Còn một số NĐT khác họ vẫn chờ cơ hội để mua vào, khi BĐS đó giảm giá, và đón đầu sức bật của thị trường hậu Covid-19.
Tuy vậy, đánh giá thị trường lúc này, ông Hải cho rằng, khác với những đợt khó khăn trước, lần này dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn nên đa số NĐT vẫn thiên về xu hướng dự trữ dòng tiền, nên việc “ôm hàng” ồ ạt cũng rất khó diễn ra. Chưa kể, dịch Covid-19 còn trùng vào tháng Ngâu sắp tới nên lượng khách hàng đi kiếm mua BĐS sẽ giảm đáng kể, phải từ 50% so với những tháng bình thường, thậm chí 60-70%.
Còn theo chia sẻ của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với bối cảnh thị trường hiện nay, dân có tiền vẫn “xuống tiền”, dân đi vay ngân hàng (vay quá 50%) không xuống tiền. Nếu vay tầm 10-20% vẫn xuống tiền mua BĐS. Còn vay nhiều hơn thì trừ khi tài sản đó phải thực sự hời, mà hiện nay trên thị trường BĐS tài sản hời rất hiếm. Còn người đi vay để đầu tư BĐS lúc này rất ít, bởi họ không dự báo được tương lai và không lường được sức chịu đựng của mình với dòng tiền vay.
Nhận định về thị trường BĐS cuối năm, các chuyên gia đều chung nhận định, đến hết quý 3 khả năng thị trường vẫn rất ít giao dịch, chỉ có giao dịch ở các khu vực chống dịch có hiệu quả. Tuy nhiên, BĐS vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và an toàn, nên thực tế giao dịch, mua bán sẽ phải chờ sau khi kiểm soát dịch tốt gần như toàn diện.
BĐS sẽ có giao dịch tại những dự án chất lượng tốt, đảm bảo điều kiện pháp lý, đặc biệt là các dự án không tham gia vào dòng xoáy cơn sốt đất hồi đầu năm, chắc chắn được nhiều nhà đầu tư đón nhận. Đồng thời, các sản phẩm được bán giá thấp hơn giá mua vào khoảng 5-10% ở những NĐT kẹt tài chính vẫn là “món hời” với các NĐT sẵn dòng tiền, mua vào và chờ đợi cơ hội trong trung – dài hạn.
Nguồn: cafef.vn
Xem thêm: Dự án Cồn Khương Diamond City – Tuyệt tác kiến trúc bên sông