Học Được Gì Từ Những Người Sếp Khó Tính Trong Công Việc
Gặp phải người sếp khó tính sẽ là cơn ác mộng không có hồi kết tại nơi làm việc. Điều này khiến nhiều người cảm thấy áp lực, mệt mỏi và muốn nghỉ việc. Tuy nhiên, đừng vội suy nghĩ tiêu cực với ứng xử “tàn nhẫn” của cấp trên. Bởi bạn sẽ được trưởng thành và nhận được nhiều bài học quý giá khi làm cùng những vị sếp khó chiều này.
Chúng ta đều mong muốn được làm việc trong môi trường thân thiện và mọi người hòa đồng với nhau. Tuy nhiên, mong ước không phải lúc nào cũng trở thành sự thật. Nhiều người phải đối mặt với cấp trên khó tính khiến mỗi giờ trôi qua như bị tra tấn. Stress, áp lực hoặc muốn buông xuôi là cảm giác chung khi gặp phải trường hợp này. Tuy nhiên, khi đủ chín chắn để nhìn nhận vấn đề, chính sự khó tính này sẽ đem lại nhiều bài học quý giá cho bạn như:
Tăng khả năng chịu áp lực
Bất kỳ môi trường làm việc nào cũng đều có áp lực riêng. Tuy nhiên, làm việc cùng sếp cầu toàn quá mức chắc chắn sẽ chịu áp lực cao. Đây là thách thức cũng là cơ hội để bạn nâng cao khả năng của mình. Thay vì phàn nàn, hãy tìm cách giải quyết thỏa đáng. Lâu dần, đây sẽ trở thành thói quen và giúp bạn nâng cao khả năng chịu áp lực công việc. Nếu chuyển sang môi trường khác, bạn cũng sẽ tự tin làm việc mà không sợ đuối trước tình huống khó xử lý.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ thường ngại sếp khó bởi điều đó tạo bầu không khí căng thẳng nơi làm việc. Thế nên chủ đề “Chọn môi trường làm việc thoải mái hay học được nhiều điều hay?” luôn là đề tài tranh cãi nảy lửa bởi nhiều người. Chấp nhận môi trường khắc nghiệt cũng là tự tạo điều kiện rèn luyện bản thân mình. Khi đối mặt với tình huống khó xử, bạn không phải trưng bộ mặt “nai vàng ngơ ngác” vì đã có kinh nghiệm thực tiễn trước đó. Thế nên, tôi khuyên các bạn đừng sợ sếp khó tính. Hơn hết, hãy xem mình học được gì từ môi trường làm việc này.
Phát triển kỹ năng nơi làm việc
Làm việc với sếp khó tính bạn chắc chắn đừng mong đến việc được dắt đi từng bước. Nếu không muốn nghe lời khó chịu từ cấp trên, tốt nhất bạn phải tìm cách học hỏi và giải quyết vấn đề. Để làm được điều đó, bạn buộc phải tự nâng cao kỹ năng liên quan đến công việc của mình bao gồm: kỹ năng vi tính, ngoại ngữ, khả năng ứng xử,… Hoàn cảnh sẽ dần thúc đẩy hình thành tính cách của một người. Từ đó, năng lực của bạn sẽ được tiến bộ rõ rệt. Rõ ràng một người thầy nghiêm khắc sẽ đào tạo được nhân tài.
Nếu bạn thích cuộc sống an nhàn, bạn không quan tâm đến sự phát triển của sự nghiệp; hãy chọn cách rời đi. Ngược lại, bạn muốn tiến bộ và trở thành nhân viên giỏi; đừng ngại tầm sư khó tính để bản thân tiến bộ nhanh hơn. Mọi thành quả đạt được đều có cái giá của nó. Chính sự gian khổ và chịu khó hôm nay sẽ giúp bạn thu được trái ngọt mai sau.
Biết cách tự lực
Những bước đi chập chững đầu đời luôn vấp phải khó khăn. Những đứa trẻ vấp ngã tự biết đứng lên luôn biết đi nhanh hơn những đứa trẻ khác. Tương tự như vậy, cấp trên khó tính sẽ giúp bạn rèn luyện tính tự lập. Thay vì chờ đợi, trông chờ vào sự giúp đỡ của ai đó; bạn tự biết cách phân tích khó khăn và giải quyết chúng.
Trên thực tế, môi trường làm việc được biết đến như một “sàn đấu” với đầy hình thức cạnh tranh khác nhau. Đồng nghiệp bên cạnh cũng có thể là đối thủ cạnh tranh với bạn. Vì thế, chẳng có tình bạn bền vững mãi mãi ở môi trường này. Hãy học cách tự lực và bước đi trên chính bàn chân của mình.
Xây dựng đội nhóm
Như chúng ta đã biết, sức mạnh tập thể có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành công việc. Nhất là đối với việc khó, chúng ta sẽ thấy được giá trị làm việc nhóm được phát huy mạnh mẽ đến thế nào. Vì thế, để hoàn thành tốt công việc được giao, bạn phải biết tận dụng nguồn năng lượng xung quanh này. Hãy liên kết những người có công việc liên quan đến mình để khi có vấn đề xử lý gấp có đồng minh hỗ trợ.
Phương pháp kết nối với đồng nghiệp bên cạnh đơn giản là những cái chào hỏi thân thiện hàng ngày hay tham gia vào buổi họp cuối tuần cùng nhóm. Điều này tăng thêm sự gắng bó giữa mọi người với nhau. Khi phải đương đầu với vấn đề khó, chính những đồng nghiệp này sẽ là cánh tay đắc lực hỗ trợ bạn hoàn thành công việc cấp trên giao phó.
Kỹ năng giao tiếp
Sếp càng khó tính, chúng ta cần phải cẩn trọng từng lời nói và hành động. Nhiều người có thể cảm thấy gò bó và ngộp thở khi làm việc cùng cấp trên khó chiều như vậy. Nhưng sự thật cho thấy, chính sự gò bó đó giúp bạn rèn luyện tinh thần kỷ luật và cẩn ngôn trong từng lời nói. Nó giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và cách sử dụng từ ngữ chuẩn mực hơn trong giao tiếp. Khi bước sang môi trường làm việc mới, kỹ năng này cũng góp phần giúp bạn được đánh giá cao trong mắt người khác.
Nhiều người sẽ cảm thấy bế tắc khi làm việc cùng sếp khó tính. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ một chút, bạn sẽ nhận được nhiều giá trị hay thông qua làm việc cùng cấp trên như thế. Nhất là đối với bạn trẻ, đây là độ tuổi tiếp thu nhanh nên đừng ngại va chạm với mọi khó khăn từ công việc hay đối mặt với cấp trên khó chịu. Chấp nhận và vượt qua được thử thách đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn trong công việc. Hy vọng bài viết trên sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích giúp bạn nhận ra được ý nghĩa và trân trọng cơ hội học hỏi từ cấp trên của mình.
Xem thêm: Làm Việc Theo Kế Hoạch Hay Làm Việc Theo Cảm Hứng, Cách Nào Mới Dẫn Đến Thành Công?
Nguồn: vietnamworks.com